Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014
Sinh viên - bạn cần gì?
Có nhiều bạn khi tôi hỏi về công việc bạn mong muốn sau khi ra trường, bạn mô tả muốn làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia với thu nhập ít nhất là 800 USD/tháng. Tôi hỏi tiếp: “Vậy em có cái gì để người ta phải trả em 800 USD/tháng?”. Bạn… cứng họng! Các bạn ơi, mơ lớn là tốt. Bạn muốn mức lương bao nhiêu cũng được, không những 800 USD/tháng, mà thậm chí 8000 hay 80.000 USD cũng được. Nhưng, bạn cần phải trả lời câu hỏi là bạn có cái gì để người ta phải trả cho bạn mức lương đó? Bạn có nghĩ công việc photocopy cũng có thể làm xuất sắc hơn bình thường được hay không? Bạn phải thay thế tư duy đòi hỏi bằng một tinh thần cống hiến hăng say, không ngại việc, không chê việc, làm với tất trách nhiệm và chuẩn mực cao nhất để đổi lại kinh nghiệm và sự tín nhiệm. Chứng minh cho họ thấy đi đã, khoan đòi hỏi, rồi bạn sẽ được trả công xứng đáng sau này. Ngoài ra, các bạn chỉ muốn nhận mà không muốn trả giá. Từ “giá” ở đây tôi muốn nói ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi diễn thuyết cho sinh viên khá nhiều, cái gì miễn phí thì bạn đến đông lắm. Nhưng cái gì cần một khoản đầu tư để học hỏi sâu hơn thì hình như với bạn nhiêu đó “hàng” miễn phí là đủ rồi. Bạn chê mắc, bạn tiếc tiền, bạn thấy không cần thiết. Rồi thì sau này cái giá mà bạn thật sự sẽ trả còn đắt hơn nhiều. Bạn tiếc tiền đầu tư vào bản thân thì xem như bạn cũng tiếc thành công. Cuối cùng, điều khiến tôi trăn trở nhiều nhất ở các bạn sinh viên là các bạn không có một khát vọng lớn. Cách đây hai tuần, tôi kết hợp với một tổ chức nhân sự uy tín để tổ chức một khóa huấn luyện dành cho những sinh viên đã qua chọn lọc, nhằm mục đích trang bị cho các bạn cách tư duy của một nhà lãnh đạo tương lai. Khóa huấn luyện kết thúc rồi nhưng dư âm của nó khiến tôi trằn trọc mãi. Tôi băn khoăn, lo ngại về Tuổi Trẻ hiện nay, lứa tuổi mà tôi cũng thuộc về. Rồi Việt Nam chúng ta sẽ ra sao khi mà những con người chủ nhân tương lai của đất nước lại có những suy nghĩ và biểu hiện như vậy? Trách ai bây giờ đây? Tôi không dám vơ đũa cả nắm, bởi tôi tin rằng vẫn có rất nhiều bạn trẻ đang từng ngày nỗ lực vươn lên với những khát vọng lớn lao, phục vụ trước hết cho đất nước, sau đó mới đến bản thân mình. Nhưng tôi muốn dấy lên một thực trạng đáng báo động ngày nay ở một số lượng lớn các bạn sinh viên: các bạn suy nghĩ nhỏ quá. Đó là chỉ mong làm sao có đủ tiền sống mỗi ngày; làm sao có thể thi đậu tốt nghiệp tốt nghiệp nếu không sẽ bị ba mẹ la; làm sao để có thể tìm được một công việc ổn định sau khi ra trường; làm sao có thể tự lo được cho bản thân sau khi tốt nghiệp,... Tôi cũng từng như vậy, y chang các bạn thôi. Nhưng bạn ơi, bạn cần biết rằng điều đáng sợ nhất của một đất nước không phải là nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản; không phải là đất nhỏ ít dân; mà điều đáng sợ nhất là đất nước ấy chỉ tập hợp những con người không dám khát vọng lớn, không dám ước mơ lớn. Ai cũng muốn nước mình giàu mạnh, ai cũng muốn Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục, thậm chí là sân chơi toàn cầu; nhưng ai cũng suy nghĩ nhỏ nhặt, ai cũng chỉ nghĩ cho riêng cho bản thân mình thôi thì làm sao có thể cùng nắm tay nhau đi lên được đây? Bạn có thể trông chờ điều gì trong khi mỗi ngày mình chỉ biết la cà những quán café, quán nhậu, những thú vui cho quên đời quên sầu, giết thời gian. Tôi thật sự lo, lo lắm các bạn ạ! Than vãn rồi cũng thế thôi, bây giờ cần phải làm gì đây? Câu hỏi này quả là rất rộng và quá khó với tôi. Nhưng nếu chỉ được chọn một điều duy nhất để chia sẻ với sinh viên, trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải CHỦ ĐỘNG. Các bạn còn bị động quá, điển hình là mỗi khi tọa đàm (tức là một dạng hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm), tôi hỏi là có ai có câu hỏi gì không thì chỉ một sự im lặng đáng sợ xuất hiện. Tôi hỏi tại sao thì các bạn nói rằng đến đây để được nghe anh chia sẻ gì đó. Các bạn ơi, cần phải thay đổi tư duy ngay đi, CHỦ ĐỘNG lên. Đừng ngồi đó mà mong người ta đem thành công đến với bạn. Đừng chỉ biết nộp đơn rồi cầu mong nhà tuyển dụng gọi điện và mời bạn ký hợp đồng. Đừng mỗi ngày chỉ có đến trường rồi quay về nhà mà mong mình sẽ tỏa sáng trong sự nghiệp sau này. Đừng kêu than oán trách việc giáo dục đại học thế này thế kia, thiếu thực tiễn, toàn lý thuyết,… Ai cũng có công việc và trách nhiệm của họ thôi. Nhiệm vụ của bạn là học và hãy biết nỗ lực học một cách chủ động. Nó xuất phát từ ý thức “Ta là sản phẩm của chính mình” để chuyển vai trò đầy tớ sang vai trò ông chủ của quá trình học. Chính bạn mới là người đề ra những cái mình cần học dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc những người trước, rồi nỗ lực học tập bằng phương pháp học sáng tạo. Sự học cũng cần mở rộng cách nhìn nhận. Không phải cứ phải có cái bàn, cái ghế, quyển vở, cây bút thì mới gọi là học. Học ở bất kì đâu, học từ bất kì ai. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá, phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có muốn hay không thôi? Và giai đoạn 18 – 25 thật đẹp, đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu mờ của xã hội.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét